Saturday, 23/11/2024 - 15:45|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Quang Hưng

cuộc thi nghiên cứu khoa học

Tài liệu đính kèm: Tải về

CÁCH SỬ DỤNG DANH TỪ ĐƠN VỊ TIẾNG VIỆT

 

1. Dẫn nhập

Trong mươi năm gần đây, cùng với quá trình dạy tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ thứ hai, có rất nhiều vấn đề lộ ra, cho thấy ngữ pháp tiếng Việt chưa thật sự được lập thức một cách đầy đủ và hệ thống. Loại từ là một trong những vấn đề như thế. Có thể nói, đối với người nước ngoài, đây là một thách thức lớn đeo đẳng họ từ những giờ đầu tiên theo học đến khi họ được xem là thành thạo tiếng Việt.

Thật ra, danh từ đơn vị là một trong những khái niệm ngữ pháp được rất nhiều nhà nghiên cứu tập trung khảo sát (Nguyễn Tài Cẩn, Lý Toàn Thắng, Hồ Lê, Trần Đại Nghĩa, Vũ Đức Nghiệu, Cao Xuân Hạo, v.v.) với tên gọi “từ chỉ loại”, “danh từ chỉ loại”, “danh từ đơn thể”, (và phổ biến nhất là) “loại từ”; và diện mạo của nó ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Đặc biệt, với hàng loạt công trình trong những năm 1990, Cao Xuân Hạo đã đứng hẳn trên bình diện ngữ pháp để xử lý danh từ đơn vị trong khuôn khổ của một cấu trúc danh ngữ, dù rằng quan niệm của ông có nhiều điểm vẫn còn đang tranh cãi [5] [7].

Theo Cao Xuân Hạo, danh từ đơn vị là loại danh từ chỉ những hình thức tồn tại của các thực thể phân lập trong không gian, thời gian hay trong một chiều nào khác được hình dung giống với không gian, có thể được tri giác tách ra khỏi bối cảnh và khỏi các thực thể khác, kể cả các thực thể cùng tên; chẳng hạn: bên, bó, cái, con, dãy, kí, khẩu, phía, thước, viên, xâu, yến, v.v..

Theo danh sách mà Cao Xuân Hạo đưa ra thì danh từ đơn vị có thể bao gồm các danh từ đếm được như cái, chiếc, tấm, con, trái, bức, cục, viên, thanh,... hoặc nhóm danh từ chỉ những đơn vị tính toán gồm lít, thước, ký, tấn, thúng, ly, muỗng, bao,… hoặc nhóm danh từ chỉ những sự vật đếm được là những đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, xã, phường, v.v..

Cao Xuân Hạo đã lập thức một cách hết sức cụ thể rằng trong cấu trúc danh ngữ có danh từ đơn vị làm trung tâm có thể có các định ngữ sau [4: 90-91]:

- Định ngữ chỉ lượng: đứng trước là các lượng ngữ (các lượng từ xác định – một , hai, ba, bốn, năm,... – và các lượng từ không xác định: những, các, mọi, mỗi, từng, tất cả,...); đứng sau là các lượng từ mốt, hai, ba, tư, rưỡi, sáu, bảy, tám, chín; chẳng hạn: năm quyển sách, những ngôi nhà này, hai kí rưỡi thịt, một chục cam;

- Định ngữ chỉ loại: do danh từ khối đảm nhiệm; chẳng hạn: hai kí rưỡi thịt, một chục cam;

- Định ngữ hạn định: do ngữ danh từ, ngữ vị từ, tiểu cú (cụm chủ vị), đại từ chỉ định (này, ấy, kia, nọ, đó), số từ, các từ diễn đạt nghĩa “duy nhất” (đầu tiên, thứ nhất, cuối cùng, thứ bảy, đẹp nhất, v.v.) đảm nhiệm; chẳng hạn: quyển sách anh tặng tôi, quyển sách bìa màu đỏ ấy, bài thơ cuối cùng vừa viết xong ấy;

- Định ngữ miêu tả: nhằm bổ sung một ý, nhưng không nhằm hạn định cho trung tâm; chẳng hạn: bắt được một con cá mè to tướng.

Trong khi đó, danh từ khối chỉ có thể có một định ngữ phía sau là định ngữ chỉ loại; chẳng hạn: thịt , cá biển, khoai tây.

Danh từ đơn vị, nói chung, không có khả năng tự lập thành ngữ danh từ (trừ một vài điều kiện nhất định), cho nên nhận diện được các định ngữ cũng có nghĩa là nhận diện được các quan hệ ngữ pháp trong một ngữ đoạn danh từ. Điều đó, đối với người nước ngoài (học tiếng Việt) lại càng đặc biệt có ý nghĩa. Theo quan sát của chúng tôi, trong quá trình sản sinh ngôn ngữ (tự mình tạo ra phát ngôn), học viên nước ngoài thường xuất phát trước hết từ danh từ khối (và kế đó, từ các định ngữ theo sau) để xây dựng ngữ đoạn danh từ vì trong đầu họ cái đối tượng tri nhận được gọi tên bằng một danh từ khối (vì họ dịch từ tiếng mẹ đẻ ra) chứ không phải bằng một danh từ đơn vị. Chẳng hạn, khi nhìn thấy một quyển sách mới màu xanh, trong đầu họ sẽ xuất hiện tên gọi “sách” (chứ không phải là “cuốn”, càng không phải là “cuốn sách”) và sau đó, họ sẽ “gán” các thuộc tính cho “sách” (“mới”, “màu xanh” hoặc “xanh”, “này”); từ đó hình thành ngữ đoạn. Có thể nói, cái mà học viên nước ngoài cần chính là những “chỉ thị” nhằm trả lời câu hỏi “Khi nào thì cần danh từ đơn vị và khi nào thì không?”. Những “chỉ thị” đó càng đơn giản, mang tính thao tác, càng giúp họ dễ sản sinh phát ngôn.

Xuất phát từ điều vừa nói, trong khuôn khổ bài này, chúng tôi sẽ xây dựng các “công thức” nhằm chỉ ra cho người học thấy, với những gì họ muốn nói, khi nào thì cần hoặc không cần một danh từ đơn vị. Hay nói rõ hơn, chúng tôi sẽ làm một chỉ dẫn “ngược”: chẳng hạn, chúng tôi không giải thích danh từ đơn vị “cuốn” cần và có thể có những định ngữ nào theo sau nó mà chúng tôi chỉ ra, khi nào cần một danh từ đơn vị xuất phát từ những yếu tố (được gọi là định ngữ, mà trước hết là danh từ khối) họ đã có trong đầu. Về lý thuyết ngữ đoạn, chúng tôi dựa chủ yếu vào quan điểm của Cao Xuân Hạo trong [2] [3] [4].

 

Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 2
Tháng 11 : 46
Năm 2024 : 1.546